Phát triển khu đô thị vệ tinh tại TP.HCM hiện nay chưa phát triển được như định hướng bởi hạn chế về giao thông công cộng cũng như việc làm cho người dân.
» Xem thêm: Xây dựng đô thị sáng tạo gồm 3 quận phía Đông
Mô hình phát triển đô thị tại các TP:
Nhiều mô hình phát triển đô thị tại các TP lớn ở châu Á vừa được giới thiệu tại hội thảo Phát triển đô thị lõi và vệ tinh, mối liên kết giữa các đô thị do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM phối hợp với Diễn đàn Liên minh các tổ chức nghiên cứu đô thị cực lớn tổ chức ngày 19-11.
Khó hình thành đô thị vệ tinh vì thiếu kết nối:
Thạc sĩ Nguyễn Mai Anh, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, dẫn chứng đồ án quy hoạch chung TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 được định hướng phát triển tập trung – đa cực.
Ngoài trung tâm TP hiện hữu, TP phát triển thêm 4 trung tâm cấp khu vực ở 4 hướng nhằm kéo giãn dân ra ngoại thành, giảm áp lực cho nội đô.
Dù vậy, TP vẫn chưa hình thành được trung tâm phụ nào theo mô hình đô thị vệ tinh.
Nếu so sánh giữa khu đô thị Hiệp Phước ở hướng Nam và khu đô thị Tây Bắc được đầu tư từ năm 2004 với TP Biên Hòa (Đồng Nai) và TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) thì vẫn thua kém về sức hút đầu tư do thiếu sự kết nối.
Điều đáng nói, nhiều dự án chưa được xây dựng dẫn đến bị hủy bỏ, thu hồi, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân trong vùng quy hoạch.
Chiến lược nhằm hỗ trợ phát triển đô thị vệ tinh:
Thạc sĩ Nguyễn Mai Anh đề xuất 8 chiến lược nhằm hỗ trợ phát triển đô thị vệ tinh như thúc đẩy giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, nén dân trong trung tâm, kiểm soát khu vực ngoại ô… Điểm mấu chốt để phát triển các đô thị vệ tinh đó là kết nối giao thông công cộng để giảm chi phí và thời gian đi lại.
Dẫn chứng từ TP Seoul (Hàn Quốc), tiến sĩ Inhee Kim, làm việc tại Viện Seoul, cho biết trước đây TP Seoul cũng là đô thị với mật độ dân số đông, hạ tầng không theo kịp.
Sau đó, chính quyền TP đã có chủ trương xây dựng các TP mới về phía Nam hình thành nên 2 đô thị vệ tinh quanh Seoul.
Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm tăng tốc phát triển đô thị qua việc kết nối TP cũ và TP mới bằng 10 cây cầu dọc theo con sông; trường cấp tiểu học và trung học cũng được xây dựng rải rác ở các TP mới, các cơ quan hành chính công cũng dời về khu đô thị mới.
Kêu gọi đầu tư từ xã hội hóa:
Tiến sĩ Inhee Kim chia sẻ hiện nay, TP Seoul có kết cấu đa trung tâm với một TP cũ và 2 TP vệ tinh kết nối với nhau bằng đường cao tốc và tàu điện, mỗi TP có chức năng khác nhau về công nghiệp.
Từ năm 2010 đến nay, chính phủ định hướng cần phát triển cân bằng và lan tỏa qua việc xây dựng các TP chuyên ngành ở khắp nơi trên lãnh thổ Hàn Quốc như y tế, công nghệ, năng lượng, hàng không.
Trong khi đó, bà Chen Yang, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Thiết kế đô thị Thượng Hải, chia sẻ TP HCM có nhiều điểm tương đồng với TP Thượng Hải trước đây và giới thiệu về cách thức mà TP này đã trỗi dậy.
Bà Chen Yang cũng cho biết định hướng của TP Thượng Hải trong những năm tới sẽ là phát triển thành TP sáng tạo, đô thị thông minh.
Làm thế nào để huy động nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông:
Nhiều chuyên gia trong nước đặt vấn đề làm thế nào để huy động nguồn lực cực lớn để đầu tư hệ thống giao thông giữa trung tâm hiện hữu và đô thị vệ tinh cũng như nhà ở để đáp ứng số lượng dân cư về sinh sống.
Bà Chen Yang và tiến sĩ Inhee Kim đều cho rằng chính quyền cần kêu gọi đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa, đổi lại nhà đầu tư được hưởng một số ưu đãi từ các TP vệ tinh.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết tốc độ đô thị hóa ở TP HCM diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tạo ra áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng.
Hiện TP đang tập trung xây dựng TP trở thành đô thị thông minh (giai đoạn 2020-2030) và xây dựng đô thị sáng tạo ở các quận 2, 9 và Thủ Đức.
Cụ thể, quận Thủ Đức với đặc thù là nơi tập hợp các trường đại học lớn của TP, quận 9 là khu công nghệ cao, quận 2 là trung tâm tài chính trong tương lai.