Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ và bất lợi là một trong những nguyên nhân khiến khu Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh phát triển chậm so với các khu vực còn lại.
Được đánh giá là một trong những khu vực có tiềm năng bậc nhất để phát triển du lịch, nông nghiệp dịch vụ và đô thị hiện đại. Tuy nhiên, những bất lợi về kết nối hạ tầng giao thông đã khiến khu vực Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh chậm phát triển hơn.
Chính vì vậy, những quyết sách về hạ tầng giao thông của chính quyền Thành Phố trong thời gian gần đây hứa hẹn sẽ tạo sự đột phá mới cho sự phát triển của khu Tây Bắc.
» Xem thêm: Quy hoạch sử dụng đất Hóc Môn đến năm 2020
Lép vế vì hạ tầng giao thông không thuận lợi:
Hơn 10 năm trước, TP. Hồ Chí Minh đã có chủ trương xây dựng khu đô thị ( KĐT) Tây Bắc nhằm tạo động lực phát triển nhanh khu vực và các vùng giáp ranh.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương sang dịch vụ đô thị, công nghiệp, góp phần cải thiện đời sống người dân.
KĐT này sẽ thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là góp phần giảm áp lực dân cư, điều hòa dân số, lao động ở các khu vực tập trung quá đông và ô nhiễm trong nội thành.
Dự án phát triển Khu Đô Thị Tây Bắc:
Theo quy hoạch ban đầu, KĐT Tây Bắc rộng khoảng 6 nghìn ha (có thể mở rộng thêm 3 nghìn ha nữa) dựa trên khu vực trục vành đai và hành lang thuộc một phần diện tích các xã: Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội, Phước Hiệp và thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi), có chiều dài khoảng 18 km, rộng từ 3 đến 5 km.
KĐT Tây Bắc sẽ có hai trung tâm lớn là Trung tâm đô thị Củ Chi, với chức năng dành cho lịch sử, văn hóa nghệ thuật, nhà ở thấp tầng; một trung tâm lớn khác sẽ nằm giữa kênh số 5 và số 7, là trung tâm hiện đại, có các công trình mang tầm cỡ quốc tế. Hai trung tâm này sẽ hỗ trợ nhau để cùng phát triển.
Ngoài “cặp đôi đô thị” trên, còn có các trung tâm thứ cấp với nhiều chức năng khác nhau. Ở vị trí góc phía nam sẽ dành riêng để xây dựng cơ sở hạ tầng như trạm điện, nhà máy xử lý nước… Không gian cây xanh được xác định theo khu vực nhưng sẽ được kết nối với nhau…
Những hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối thiếu đồng bộ khiến cho khu vực Tây Bắc chậm phát triển:
Tuyến đường tỉnh lộ 9:
Đây là con đường huyết mạch của huyện Củ Chi, nối từ đường Lê Văn Khương (quận 12) đi Củ Chi qua cầu Phú Cường đến TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) dài khoảng 6km.
Hàng ngày cung đường này đang phải oằn mình hứng chịu một lượng lớn dòng xe qua lại. Nghịch lý là hàng chục cây cầu trên tỉnh lộ 9 đã xây dựng mới, rộng thênh thang nhưng phải nằm chờ đường.
Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 9:
Lãnh đạo sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay Sở đã thẩm định xong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 9 (đoạn từ cầu Rạch Tra đến tỉnh lộ 8) huyện Củ Chi theo hình thức PPP (hợp đồng BT) đang chờ UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt.
Theo đó, tổng chiều dài tuyến đường nâng cấp khoảng 5,76 km, thuộc công trình cấp 2, tốc độ thiết kế 60 km/giờ.
Dự kiến thời gian thi công trong 2 năm 2017-2019 với tổng mức đầu tư 1.047 tỷ đồng
Tuyến đường tỉnh lộ 8:
Tỉnh lộ 8 cũng là con đường huyết mạch của huyện Củ Chi nối Long An – TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương nhưng sau gần 10 năm thực hiện dự án nâng cấp mở rộng đường cho đến hiện tại vẫn chưa xong.
Tỉnh lộ 8 có chiều dài 6,8km, rộng 20m (kể cả vỉa hè), được phê duyệt từ năm 2008, thời hạn thực hiện dự án từ quý 3-2008 đến quý 4-2009.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn còn nham nhở, chắp vá, mặt đường lồi lõm, nhiều ổ gà, thậm chí nhiều đoạn vẫn còn nguyên hiện trang ban đầu vì chưa giải phóng xong mặt bằng.
Tháo điểm nghẽn giao thông, tạo đột phá cho khu vực Tây Bắc:
Ý kiến của chuyên gia quy hoạch đô thị:
“Khi giao thông huyết mạch từ trung tâm đến khu vực Tây Bắc được kết nối thông thoáng, hạ tầng xã hội sẽ phát triển theo. Sự cộng hưởng này sẽ đánh thức tiềm năng lớn của khu vực này”, Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị nhận định.
Theo ông Sơn, vấn đề cốt yếu của khu Tây Bắc hiện tại là thiếu các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, dân lại có thu nhập thấp hơn các khu vực khác.
Để phát triển, cần lập những khu hạ tầng kỹ thuật xã hội tốt để thu hút lao động tri thức, đặc biệt là những người trẻ.
Những bất lợi của khu vực Tây Bắc:
Khu vực Tây Bắc TP Hồ Chí Minh chỉ có bất lợi duy nhất là khoảng cách khá xa và hạ tầng giao thông chưa tốt. Điểm yếu này đang được cải thiện bằng những quy hoạch, các dự án hạ tầng dày đặc.
Cụ thể, trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã và đang đầu tư nhiều dự án đường hướng tâm như quốc lộ 22, đường Phan Văn Hớn, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 15…
Một trong những dự án trọng điểm để tháo nút thắt cho cửa ngõ Tây Bắc đang được thi công hối hả ngày đêm là nút giao thông An Sương (quận 12).
Việc xây dựng công trình này sẽ giúp thông thoáng trục đường huyết mạch từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại, cũng như từ trung tâm TP Hồ Chí Minh về huyện Củ Chi, tỉnh Tây Ninh…
Công trình xây dựng nút giao thông An Sương:
Đây là hầm chui đôi, gồm 1 hầm cho các loại xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh đi quốc lộ 22 và 1 hầm lưu thông chiều ngược lại.
Mỗi hầm rộng 9 – 9,5m có 2 làn xe, kể cả xe siêu trường, siêu trọng lưu thông với vận tốc 50km/giờ.
Với tổng mức kinh phí đầu tư 514 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 8-2018.
Hạ tầng giao thông tốt giúp khu Tây Bắc phát triển:
Một lãnh đạo quận 12 cũng cho rằng, hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện sẽ là nhân tố quan trọng để khu Tây Bắc TP Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm.
Tuy nhiên, hiện nay giao thông đến với khu kinh tế Tây Bắc TP Hồ Chí Minh chủ yếu qua nút giao Cộng Hòa – Trường Trinh – Ngã Tư An Sương – Quốc Lộ 22.
Nhưng nút giao thông này hiện nay đang quá tải nên đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của cả vùng, trong đó có quận 12.
Xây dựng đề án các công trình giao thông:
Để giải quyết bài toán giao thông, quận 12 đã mời đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng phía Đông (Phường An Thới Đông, phường Thới An quận 12) để xây dựng đường Vườn Lài, cầu Vàm Thuật kết nối với trung tâm thành phố.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã đồng ý để quận xây dựng hai công trình giao thông trọng điểm kết nối với trung tâm thành phố đó là:
- Dự án đường Vườn Lài, cầu Vàm Thuật ở mặt đất sẽ kết nối với phường 13, quận Bình Thạnh.
- Dự án đường trên cao số 4 sẽ đi trên cao đường Vườn Lài kết nối với đường Thái Sơn, quận Gò Vấp.
Bên cạnh đó, thành phố đã kiến nghị và được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý xây dựng tuyến đường trên cao số 5 từ nút xoay An Lạc kết nối với nút giao Xa Lộ Hà Nội – Quốc lộ 1A (đoạn khu Công Nghệ Cao, quận 9).
Đó là chưa kể, công trình hầm chui An Sương đang thực hiện; đường Thới An – Thạnh Xuân (song song với QL 1A) kết nối với cầu Phú Long qua Bình Dương cũng đã được HĐND TP Hồ Chí Minh cũng đã thông qua chủ trương và ghi nhận vốn đầu tư.
Với các công trình giao thông trọng điểm nêu trên, trong tương lai không xa, khoảng cách giữa khu Tây Bắc với trung tâm thành phố sẽ thông suốt và rút ngắn thời gian. Đây chính là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực này.