Gỡ khó cho bất động sản khi áp dụng Nghị định 20/2017 được diễn ra vào sáng 14/12. Tại hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt bất cập khi triển khai nghị định này.
» Xem thêm: Cần chấm dứt quy hoạch trên giấy tại TP.HCM
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam khẳng định:
Mục tiêu áp dụng Nghị định 20 là để chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng trong thực tiễn triển khai, nghị định này đã nảy sinh nhiều bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chỉ ra những vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ của Nghị định 20, ông Nam đã dẫn ra Khoản 3, Điều 8: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp.”
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:
Quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp
Tiến sỹ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng:
Tại nhiều quốc gia đang áp dụng mức 30% như Ấn Độ, trên 30% như Mỹ và Đức hay như Indonesia cũng dự kiến là 30%…
Tuy nhiên tỷ lệ 20% của Việt Nam rõ ràng chưa tính đến ngành đặc thù và điểm đặc thù ví dụ như điện, bất động sản phải đi vay nhiều hoặc các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Luật sư Trương Thanh Đức phát biểu:
Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết, tuy nhiên, cơ sở pháp lý và nội dung đang được quy định tại Nghị định số 20 còn những điểm chưa hợp lý.
Mục đích của Nghị Định 20/2017:
Về thực chất, nghị định này chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt là quy định tại Điều 10 về “Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết”.
Khoản 1, Điều 11 về “Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết” của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó TGĐ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam phân tích:
Nội dung của Điều 8, Nghị định 20. “Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù”.
Nhưng tại Nghị định 20 và thông tư hướng dẫn chưa có định nghĩa cụ thể về “giao dịch liên kết đặc thù”, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc xác định doanh nghiệp mình có phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi áp dụng Điều 8 hay không.
Theo bà Hạnh, quy định này nên chỉ áp dụng khi doanh nghiệp có giao dịch vay vốn từ bên liên kết.
Đồng thời, phần khống chế chỉ nên tính trên phần chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết, không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh lãi tiền vay từ giao dịch vay với các bên độc lập.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội:
Ông Phúc bày tỏ mong muốn Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các chuyên gia, doanh nghiệp cùng phối hợp tìm ra hướng tốt nhất.
Trong trường hợp ban hành văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có chính sách giải quyết, bồi thường thỏa đáng.
Theo: http://doanhnghiepvn.vn